Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là căn bệnh nghe khá xa lạ nhưng thực tế lại có rất nhiều người gặp phải. Vậy nguyên nhân, triệu chứng gây ra căn bệnh này là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh? Cùng Metaherb tìm hiểu chi tiết.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là gì?
Ở mỗi khớp gối đều có bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch giúp giảm ma sát và là điểm đệm áp lực giữa hai đầu xương và gân, cơ cũng như da ở gần khớp. Viêm bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng viêm một túi chứa đầy dịch lỏng (bao hoạt dịch) nằm ở gần khớp gối.
Bất cứ vị trí nào ở khớp gối đều có thể gặp phải tình trạng này, gối đều có thể bị viêm nhưng thường xảy ra nhất ở phía trước xương bánh chè hoặc phía bên trong đầu gối, bên dưới khớp.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối gây ra đau đớn và hạn chế khả năng vận động. Việc điều trị thường kết hợp giữa các cách tự chăm sóc cùng với phương pháp điều trị của bác sĩ để giảm bớt đau và viêm.
Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp gối
Có khá nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh. Các dấu hiệu này xuất hiện dựa trên nguyên nhân gây viêm và bao hoạt dịch bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng chung như cảm giác ấm nóng, mềm và sưng khi tạo áp lực lên khớp gối. Hoặc người bệnh cũng có thể cảm thấy đau khi di chuyển, vận động, thậm chí cả lúc nghỉ ngơi.
Một cú đánh mạnh vào đầu gối cũng có khả năng khiến các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng. Thế nhưng, hầu hết trường hợp viêm bao hoạt dịch khớp gối là hậu quả của ma sát và kích thích bao hoạt dịch trong các công việc đòi hỏi phải sử dụng đầu gối nhiều, như quỳ trên mặt phẳng cứng. Do đó, các triệu chứng thường xuất hiện từ nhẹ đến nặng, diễn tiến nghiêm trọng dần theo thời gian.
Nguyên nhân viêm bao hoạt dịch khớp gối
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch khớp gối. Nguyên nhân thường gặp nhất là do chấn thương. Ngoài ra còn có các yếu tố sau:
- Đầu gối phải chịu áp lực thường xuyên, kéo dài như khi quỳ lâu trên bề mặt cứng
- Vận động quá mức
- Chấn thương trực tiếp vào đầu gối
- Nhiễm khuẩn ở bao hoạt dịch
- Biến chứng từ viêm xương khớp (thoái hóa khớp), viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút ở đầu gối
Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh như:
- Quỳ gối trong thời gian dài: Những người có công việc đòi hỏi phải quỳ gối trong thời gian dài như thợ lót thảm, sửa ống nước hay làm vườn sẽ có nguy cơ cao bị viêm bao hoạt dịch khớp gối.
- Tham gia một số môn thể thao: Các môn thể thao có thể gây ra những chấn thương trực tiếp hay té ngã và tiếp đất bằng đầu gối, chẳng hạn như đấu vật, bóng đá, bóng chuyền… cũng khiến khả năng bị viêm bao hoạt dịch khớp gối tăng lên. Vận động viên điền kinh thì có thể bị đau và viêm ở bao hoạt dịch nhóm gân chân ngỗng (pes anserine), nằm bên dưới khớp.
- Béo phì và thoái hóa khớp: Viêm bao hoạt dịch nhóm gân chân ngỗng thường xảy ra ở phụ nữ béo phì và bị thoái hóa khớp.
Chẩn đoán và điều trị
Các dấu hiệu nhận biết chỉ giúp người bệnh cảnh giác trong giai đoạn đầu. Để biết được chính xác mức độ cũng như nguyên nhân dẫn đến bệnh, người bệnh cần tiến hành các kiểm tra và chẩn đoán cần thiết. Cụ thể:
Thăm khám
- So sánh tình trạng ở hai đầu gối, đặc biệt khi đau chỉ xuất hiện ở một bên
- Ấn nhẹ vào khu vực xung quanh đầu gối để cảm nhận sưng, nóng và nguồn gốc cơn đau
- Kiểm tra da xem có dấu hiệu bị đỏ hay nhiễm trùng hay không
- Nhẹ nhàng di chuyển đầu gối để đánh giá phạm vi chuyển động và xem thử cơn đau có xuất hiện khi đầu gối gập lại hay di chuyển quá mức không.
Xét nghiệm hình ảnh
Để loại trừ các chấn thương có thể cũng gây ra triệu chứng tương tự như viêm bao hoạt dịch khớp gối, bác sĩ đôi lúc yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm hình ảnh sau:
- Chụp X-quang. Điều này giúp cho thấy các vấn đề ở xương hoặc viêm khớp, nếu có.
- MRI. Đây là phương pháp sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo nên hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong cơ thể. Bác sĩ có thể quan sát được cả những mô mềm như bao hoạt dịch.
- Siêu âm. Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh thực tế tại thời điểm đó, siêu âm giúp bác sĩ hình dung rõ hơn tình trạng sưng ở bao hoạt dịch bị ảnh hưởng.
Hút dịch sinh thiết
Bác sĩ có thể hút bao hoạt dịch khớp gối bị viêm bằng một cây kim chuyên dụng để kiểm tra mức độ tổn thương cũng như tình trạng bệnh. Đây là phương pháp nên thực hiện, đặc biệt khi nghi ngờ người bệnh mắc gút do viêm bao dịch hoạt khớp gối.
Phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm và bao hoạt dịch nào đang bị ảnh hưởng mà bác sĩ đưa ra một hoặc nhiều phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay có một số phương pháp điều trị phổ biến như:
Thuốc
Đây là phương pháp phổ biến và thường được bác sĩ chỉ định trong hầu hết các trường hợp. Nếu nhiễm trùng gây ra viêm bao hoạt dịch khớp gối, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, mặc dù có tác dụng giảm đau nhanh chóng, nhưng dụng thuốc trong một thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu với các chuyên gia để hướng dẫn thực hiện những bài tập cải thiện tính linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. Liệu pháp này giúp giảm đau và giảm nguy cơ tái phát các đợt viêm bao hoạt dịch khớp gối. Sử dụng băng quấn bảo vệ đầu gối khi quỳ cũng giúp giảm bớt sưng tấy tại khớp gối.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Các phương pháp xâm lấn hơn trong điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối bao gồm:
- Tiêm corticosteroid: Nếu viêm bao hoạt dịch kéo dài và không đáp ứng với những phương pháp điều trị cơ bản, bác sĩ sẽ tiêm corticosteroid vào bao hoạt dịch bị ảnh hưởng để giảm bớt viêm. Tình trạng viêm thường giảm bớt nhanh chóng nhưng bạn có thể cảm thấy đau và sưng do tiêm thuốc trong vài ngày.
- Chọc hút dịch (aspiration): Bác sĩ có thể sử dụng một cây kim nhỏ đưa vào bao hoạt dịch để hút bớt lượng dịch dư thừa và điều trị viêm. Thủ thuật này có khi gây đau và sưng trong thời gian ngắn. Sau đó, bạn có thể cần mang vật cố định đầu gối sau khi tiêm để giảm nguy cơ sưng tái phát.
- Phẫu thuật: Nếu bạn bị viêm bao hoạt dịch mạn tính nặng hoặc tái đi tái lại và không đáp ứng với phương pháp điều trị khác, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật loại bỏ bao hoạt dịch.
Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà
Người bệnh có thể hỗ trợ điều trị bằng cách áp dụng một số biện pháp tại nhà như sau:
- Để đầu gối nghỉ ngơi: Bạn nên tạm ngưng các hoạt động dẫn đến viêm bao hoạt dịch và hạn chế những chuyển động khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Sử dụng ngắn hạn các thuốc giảm đau, kháng viêm như aspirin, ibuprofen hay naproxen cũng giúp giảm bớt đau đớn.
- Chườm đá: Chườm đá lên đầu gối trong 20 phút mỗi lần và thực hiện vài lần một ngày cho đến khi cơn đau không còn nữa, đồng thời không cảm thấy ấm nóng ở đầu gối.
- Quấn băng thun: Sử dụng băng thun hoặc đồ bảo vệ đầu gối cũng giúp giảm sưng hiệu quả.
- Nâng cao đầu gối: Bạn có thể dùng gối để kê cao đầu gối lên. Điều này giúp giảm bớt sưng tấy ở khớp gối.
Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch khớp gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Mang đồ bảo hộ đầu gối. Khi làm việc sử dụng đầu gối nhiều hoặc tham gia các môn thể thao có thể gây ảnh hưởng lên khớp gối, hãy sử dụng đồ bảo hộ chuyên dùng.
- Nghỉ giải lao. Nếu phải quỳ gối trong thời gian dài, đừng quên dành ít phút để duỗi thẳng chân và nghỉ ngơi.
- Tránh tập quá mức các bài tập có tư thế ngồi xổm (squat). Khuỵu đầu gối quá mức hoặc lặp đi lặp lại sẽ gây tăng áp lực lên trên khớp gối.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Cân nặng vừa phải, thân hình cân đối sẽ làm giảm bớt áp lực đè lên khớp gối.
Trên đây là một số thông tin về căn bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, song bệnh có thể gây ra một số biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Cần đến bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh. Nếu còn thắc mắc, vui lòng để lại bình luận bên dưới bài viết, các dược sĩ sẽ phản hồi sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
source https://metaherb.vn/viem-bao-hoat-dich-khop-goi.html
Nhận xét
Đăng nhận xét